Phân biệt gừng ta và gừng Trung Quốc chuẩn xác nhất
Gần đây, sau khi đọc một số bài báo về cách phân biệt gừng Trung Quốc và gừng Việt Nam, tôi có một số ý kiến về cách phân biệt các loại gừng. Bài viết này nhằm nói rõ hơn về các loại gừng mà theo nguyên nhân chủ quan nào đó, nhiều người vẫn còn nhầm tưởng. Đây là ý kiến dựa trên kinh nghiệm bản thân nên nếu quý bà con trồng gừng hay anh/chị nào có cách phân biệt tốt hơn thì cùng nêu ý kiến chia sẻ nhé.
Phân biệt gừng dựa trên kích thước và màu vỏ:
Một số ý kiến cho rằng: “rất dễ nhận ra, gừng Trung Quốc có kích cỡ to, thân tròn, trông mọng hơn gừng ta rất nhiều. Những củ gừng Trung Quốc nhìn vỏ rất sạch sẽ, sáng màu, mịn và dễ bóc. Trong khi đó, gừng ta thân nhỏ hơn, nhiều nhánh, vỏ hơi sần, màu sạm, nhiều đất bám xung quanh”. Trong điểm này có một số điểm đúng và điểm chưa chính xác lắm:
Điểm đúng thể hiện ở chỗ: gừng Trung Quốc có vỏ sạch sẽ, sáng màu, mịn: cái này là do quy định là Trung Quốc phải làm sạch tất cả bùn đất do các loại thực vật trong đó có gừng trước khi đưa vào Việt Nam. Tuy nhiên, quý bà con và các anh chị cũng nên hiểu rõ là hiện nay có ba giống gừng chính ở Việt Nam: gừng dé, gừng sẻ và gừng trâu. Nếu theo cách phân biệt này thì gừng trâu dễ được xếp vào “gừng tàu” trong khi đó ở mình có trồng loại gừng này. Đặc điểm của giống gừng trâu cũng là thân tròn, mọng, ít nhánh.
Phân biệt dựa vào lõi củ gừng:
Khi bẻ đôi củ gừng, quý bà con và các bạn có thể thấy với gừng ta, màu sắc vàng tươi, có nhiều xơ và có đường vân tròn trong thân củ. Còn gừng Trung Quốc thì ngược lại, màu sắc nhạt hơn, ít xơ gân, nhìn vết bẻ khá mịn và không có đường vân tròn nào cả. Điều này cũng là một sự nhầm lẫn khi ta đem so sánh gừng trâu với gừng sẻ.
Phân biệt dựa vào mùi, vị củ gừng
Gừng ta rất thơm có hương vị cay đậm, đặc trưng. Chỉ cần một chút gừng ta cho vào chế biến đã dậy mùi trong khi gừng Trung Quốc không thơm, cay nhẹ, phải cho rất nhiều vào món ăn mới thấy có mùi. Do tính chất của hai loại gừng là khác nhau nên mùi vị và mục đích của việc sử dụng hai loại gừng này cũng khác nhau.
Theo tôi, sự chính xác của các phân tích trên một số bài báo gần đây cũng chỉ mang tính chất tương đối. Để phân biệt được rõ ràng hơn, tôi xin nêu ra cách của mình như sau:
- Đối với quý bà con và các anh/chị chọn mua gừng để chế biến làm gia vị cho các món ăn, việc đầu tiên là nên chọn củ gừng tươi (nhìn bằng trực quan thì nước còn nhiều và dễ cạo vỏ) nếu dính đất ẩm thì càng tốt, vì đó là gừng mới thu hoạch nên khả năng dùng chất bảo quản là rất thấp. Ngoài ra, chọn gừng tươi cũng tốt cho sức khỏe, vì nếu chọn những loại gừng không tươi, những phần củ thối sẽ tạo ra một chất cực độc có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
- Đối với quý bà con và các anh chị chọn gừng giống: Chọn củ gừng già (đủ 9 tháng tuổi trở lên), sạch bệnh bẻ hoặc cắt đoạn củ (ánh) dài 2,5 - 5 cm, trên mỗi ánh phải có ít nhất 1 mắt mầm.